Áo dài đẹp cùng ca sĩ Ánh Tuyết
áo dài cưới,áo dài dạ tiệc
Ca sĩ Ánh Tuyết không những để lại ấn tượng sâu sắc về một giọng hát trong trẻo, vút cao. Thường xuyên xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài nhiều năm nhưng chị không gây cảm giác nhàm chán cho khán giả. Chị là một trong những ca sĩ mặc áo dài đẹp và biết cách làm cho áo dài đẹp hơn...
 
Hãy đứng yên khi mọi thứ quay cuồng
 
Lúc nhỏ tôi là một cô bé khá điệu đà, thích soi gương, thích làm đẹp. Bây giờ thì là một người khá "rắn mắt", ít nói nhưng hay để ý người khác, nhất là về cách ăn mặc. Tôi luôn để ý tới cách ăn mặc của những nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới và nhận ra một điều rằng: Mốt chuẩn khi mặc một bộ trang phục đẹp phải đi kèm với cách ứng xử, cách sống và một phong thái đẹp.
 
Với tôi, mốt luôn đi cùng văn hóa. Một bộ trang phục đẹp nhưng người mặc cần phải biết nó có phù hợp với mái tóc, khuôn mặt, phong thái và hoàn cảnh của mình không. Một bộ đồ bình thường, có thể người này mặc không đẹp nhưng người kia lại mặc đẹp và như thế người đó trở thành một người đẹp và làm đẹp cho môi trường xung quanh.
 
Thời gian đầu đi hát, tôi khoác lên mình đủ loại, đủ kiểu trang phục thịnh hành thời bấy giờ: đồ tây, đồ bó, áo cánh dơi, quần da, áo phồng, mini-juyp... nên tôi biết những ưu và khuyết trên cơ thể mình, biết phần nào cần che đi, biết phần nào nên khoe ra. Tôi cũng nhận ra rằng khi mặc mỗi loại trang phục khác nhau thì cần có một phong thái phù hợp. Chẳng hạn như khi mặc quần jeans, mình cần tỏ ra khỏe khoắn, mạnh mẽ; khi mặc váy, mình thấy kiêu sa; khi mặc áo dài lại thấy e ấp, dịu dàng.
 
 
Tôi lớn lên ở Hà Nội, nơi có rất nhiều người nước ngoài lui tới. Họ ăn mặc rất đẹp, phong phú về kiểu dáng và khá lạ so với người Việt. Tôi thường để ý cách ăn mặc của họ, thích nhìn họ, thích tìm tòi cái đẹp và biết được cái gì dành cho mình. Tôi tự đi chợ chọn từng tấm vải, về tự cắt, tự may trang phục cho mình. Những bộ trang phục chỉ dành riêng cho tôi.
 
Năm 12 tuổi, mặc trên mình bộ áo dài trắng, tôi đã thấy mình đẹp. Năm 1979, sau nhiều năm khoác lên đủ loại trang phục biểu diễn, tôi đã quyết định là mình sẽ chỉ mặc áo dài. Mọi người nói tôi mặc áo dài đẹp, tôi cũng tự thấy mình đẹp hơn, tự tin và thích thú khi được hát, được phiêu cùng tà áo dài. Tôi thực sự trân trọng và luôn tự hứa với lòng mình là sẽ làm cho áo dài đẹp hơn.
 
Năm 1990, tôi vào Sài Gòn và nhận ra thị trường âm nhạc ở đây còn trống một mảng đúng sở trường của mình. Các ca sĩ thời đó cũng mang đủ thứ lên sân khấu, đủ kiểu mốt ta mốt Tàu. Tôi càng tự tin về sự lựa chọn của mình với chiếc áo dài. Bởi tôi quan niệm, khi mọi thứ xung quanh chuyển động mạnh mẽ, quay cuồng thì mình hãy đứng yên. Như vậy mình sẽ không bị lạc, không bị lẫn lộn.
 
 
Áo dài cần duyên
 
Khi mặc áo dài, người mặc cần biết rằng mình đang thừa hưởng một tài sản tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, của nhân loại. Vì thế, phải biết trân trọng và giữ gìn được cái hồn của chiếc áo. Phải cảm nhận được mỗi bước đi của mình tà áo sẽ bay lên như thế nào, chuyển động ra sao. Ý thức được điều đó, bạn sẽ tôn tạo được vẻ đẹp của áo dài và ngược lại, áo dài sẽ tôn lên nét duyên của người mặc.
 
Với tôi, mốt là khi chọn một bộ trang phục, người mặc phải ý thức được rằng nó có phù hợp với mình không, mình có thực sự yêu thích nó không hay chỉ là chạy theo thời trang.
 
Còn nhớ, có lần qua Pháp, tôi chỉ mặc một chiếc áo dài trắng kín đáo mà hết sức quyến rũ, kiêu sa, duyên dáng. Ai đi qua cũng ngoái lại nhìn, mọi người ngồi trong nhà hàng cũng ngó ra nhìn như thể tôi là một sinh vật lạ. Một người đã hỏi tôi: "Đây là áo lễ hội hay lễ cưới?". Tôi đã rất tự hào trả lời rằng: "Cả hai, chúng tôi mặc áo dài trong cả những dịp bình thường, học sinh đi học cũng mặc". Vị khách đã nhiều lần thốt lên hai tiếng: "Quá đẹp!" một cách sảng khoái. Một lần ở Ý, khi chèo thuyền trên những con kênh trên thành phố Venice, tôi mặc một chiếc áo dài bằng voan nhẹ, có những bông hoa li ti in chìm. Thuyền chạy, tà áo phất phất theo làn gió. Ông lái đò đã thốt lên:"Đẹp quá! Đẹp quá!" và khi biết tôi là người Việt Nam, ông ta nhấn mạnh lại tiếng Việt Nam một cách kinh ngạc.
 
 
Nhiều người, ngay cả những cô người mẫu, có vóc dáng rất đẹp, song không phải ai cũng mặc áo dài đúng cách. Tà áo dài nhỏ và rất nhẹ nên dáng đi cũng cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, không nhất thiết phải ưỡn người quá và đặc biệt là khi xoay người không thể hất tà áo sau đến "phật" một cái. Đó là kiểu xoay người khi mặc những chiếc soirée dài và rộng. Cũng không nên giơ tà áo quá cao. Áo dài cổ thuyền thì phù hợp với người vai xuôi và đầy đặn. Người mảnh khảnh thì nên mặc áo cổ cao. Người mập thì nên mặc áo cổ thấp. Vải mỏng thì nên may tà rộng, vải cứng thì may tà vừa phải. Áo dài có thể cách điệu nhưng đừng làm quá lố đến nỗi nó không còn là áo dài nữa. Mặc áo dài cần nhất là cái duyên.
 
Mỗi ngày, mỗi tuổi khoác lên mình bộ áo dài, tôi đều có những cảm nhận khác nhau. Giờ tôi vẫn thấy mình đẹp với chiếc áo dài.
 
 
Tôi băn khoăn về cách ăn mặc của một số ca sĩ, nghệ sĩ trẻ hiện nay. Người làm nghệ thuật là đại diện cho văn hóa dân tộc, dễ gây ảnh hưởng tới công chúng về cách ăn mặc, cách sống, cư xử... nên cần hết sức cẩn trọng. Hình ảnh một người nghệ sĩ thực thụ ở ta còn thiếu quá. Tôi nhớ ở thời của tôi, trang phục của nghệ sĩ nam và nghệ sĩ nữ luôn có sự phân cách rất rạch ròi. Thế nhưng bây giờ, khoảng cách ấy như đang bị thu hẹp lại. Nhiều ca sĩ nam mặc đồ quá nữ tính, không có gout. Những người làm văn hóa cần nhìn nhận lại kẻo không sẽ làm hỏng thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn trang phục của ca sĩ, diễn viên, MC... khi họ xuất hiện trên truyền hình.
 
Theo Mốt
 



Áo Dài Nổi Bật
 
Mẹo Vặt Cho Áo Dài
4 màu sắc áo dài cưới cho cô dâu Việt

Trên nền chất liệu lụa mềm mại, nhà thiết kế sử dụng hoa văn và các chi tiết trang trí màu vàng đồng để làm nổi bật cho trang phục ngày cưới của cô dâu.

Hỗ Trợ Trực Tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline
Tư vấn áo dài
Kinh doanh
Find us on Facebook
Bản Đồ Đến Hoàng Liêm
ao dai
Quảng Cáo