Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dùng đến cụm từ “đại dịch béo phì”. Ở châu Âu hiện đã có 23% đàn ông và 36% phụ nữ béo phì; 1/3 trẻ con bị thừa cân. Ở Pháp, trẻ béo phì đã tăng gấp ba lần so với trước đây 10 năm. Tình hình béo phì ở Trung Quốc càng báo động hơn. Tại TP.HCM, tỷ lệ béo phì cũng đang tăng nhanh ở các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học. Béo phì không chỉ là vấn đề sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Một điều tra của Food Policy and Obesity, ĐH Yale cho thấy, 50% người Mỹ sẵn sàng chịu giảm thọ hơn là phải sống với béo phì! Hiện nay, 60% người Mỹ thừa cân và 20% béo phì.
Việt Nam ta từ bao đời nay đã có một biện pháp chống béo phì tuyệt hảo là chiếc áo dài của người phụ nữ. Cả một dải đất miền Trung nổi tiếng là “quê hương xứ dân gầy” chẳng phải đã nhờ chiếc áo dài truyền thống đó sao? Quyền quý cao sang cũng áo dài. Buôn gánh bán bưng cũng áo dài. Áo dài không chỉ giúp cho người ta tha thướt, dịu dàng mà còn giúp cho người ta “vai gầy guộc nhỏ” thấy mà thương! Với áo dài, muốn hấp tấp vụt chạc cũng không được; muốn hùng hục, ngấu nghiến cũng không được.
Để phòng chống suy dinh dưỡng, y học dùng cái cân và cái thước dây nhằm phát hiện sớm bệnh. Ở Âu Mỹ, người ta khuyên những người thừa cân lúc ngủ dậy, nhảy lên cái cân “cân một cái” để biết hôm nay nên ăn uống, vận động ra sao. Nói khác đi, cái cân, cái thước giúp ta điều chỉnh hành vi ăn uống. Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam chẳng phải là một biện pháp “cân đo” hữu hiệu nhất đó sao? Nó lên tiếng báo động ngay tức khắc cho ta chỗ nào chật, chỗ nào rộng, chỗ nào sắp... nứt, nhờ đó mà ta điều chỉnh hành vi ăn uống kịp thời!
Thế mà những năm gần đây vắng bóng áo dài nơi trường học, ngoài đường phố, chỉ còn thấp thoáng trên sân khấu, trình diễn thời trang, thi hoa hậu... Ta có thể thấy trước, rồi đây thế hệ các thiếu nữ Việt Nam không còn mặc áo dài truyền thống nữa sẽ nhanh chóng béo phì ra sao!